Đang Tải Dữ Liệu....
game java tai vo lam tai youtube Tubemate
CHUYẾN ĐI QUẢNG TRỊ NĂM 2022
21/06/2022 14:26
CHUYẾN ĐI VỀ NGUỒN TẠI VÙNG ĐẤT THIÊNG QUẢNG TRỊ CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU VIỆN CÔNG NGHỆ XẠ HIẾM NĂM 2022

 
 

Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, từ ngày 16-19/6/2022, Đảng ủy Viện Công nghệ xạ hiếm (Viện CNXH) đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục Truyền thống và Lịch sử - Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam tổ chức đợt sinh hoạt chính trị ngoại khóa năm 2022 tại vùng đất thiêng Quảng Trị cho 30 đồng chí là đảng viên của Đảng bộ, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội của Viện (Chi hội Cựu chiến binh, Ban chấp hành Công đoàn, Ban chấp hành chi đoàn thanh niên) và khách mời. Đây là cuộc hoạt động nhằm thể hiện tình cảm “Uống nước - Nhớ nguồn” của đoàn đại biểu Đảng bộ Viện Công nghệ xạ hiếm với các Anh hùng liệt sỹ, với Tổng Bí thư Lê Duẩn và trong dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022).

Trên hành trình từ Bắc vào Nam, Quảng Trị nằm ở trung điểm, được ví như điểm tỳ vai gánh hai đầu đất nước. Qua bao thăng trầm lịch sử, mảnh đất này đã từng là nơi chia cắt, được coi là “chiến địa”, “trấn biên”, "phên giậu”. Có người cho rằng: Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Bởi, chỉ tính riêng số liệt sĩ đã hy sinh và đang yên nghỉ tại 72 nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh đã lên tới con số gần 60 nghìn người. Trong 72 nghĩa trang liệt sĩ thì có hai nghĩa trang Quốc gia: Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Mỗi "địa chỉ đỏ" này có hơn 10 nghìn liệt sĩ. Có thể nói, không có tỉnh, thành nào lại không có con em của mình trực tiếp chiến đấu ở mảnh đất này. Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng.

Quảng Trị là một vùng đất đẫm máu xương và nặng nghĩa ân tình với nhân dân cả nước. Một vùng đất mà mỗi khi nhắc đến, bất cứ một người dân yêu nước nào cũng thấy thương cảm, hãnh diện, tự hào và thấy phải có trách nhiệm góp phần xây dựng ngày càng giàu đẹp hơn. Ngày xưa Quảng Trị là vùng đất lửa, ngày nay Quảng Trị là vùng "đất tâm linh", trở thành một cõi thiêng trong tâm khảm bao người. Về với đất thiêng Quảng Trị trong những ngày giữa tháng Sáu với cái nắng gay gắt, ta như được tắm mình trong truyền thống, để rồi hun đúc thêm niềm tự hào. Đó cũng là nguồn cội của sức mạnh để ta vững vàng trên hành trình đến với ngày mai.

Điểm dừng chân đầu tiên là Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Địa điểm này tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ, phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn không chỉ là nơi để các gia đình liệt sỹ, các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương đến viếng thăm và thực hiện công việc đền ơn đáp nghĩa mà còn là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam: “Uống nước - Nhớ nguồn”

Tại nơi đây, trong không khí trang nghiêm, thành kính, Đoàn đã đến đặt vòng hoa và dành phút mặc niệm, ôn lại truyền thống đấu tranh lịch sử, kính cẩn dâng nén hương thơm tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ là những người con ưu tú của quê hương Quảng Trị đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cái cần nhất đối với những chiến sĩ Trường Sơn trước cái chết là một bài ca của sự sống vang lên. Bởi vậy, ở Trường Sơn tiếng hát chưa bao giờ ngừng tắt. Bằng giai điệu vạm vỡ và hào sảng, nhạc sĩ Huy Du viết trong ca khúc "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”: "Này Trường Sơn ơi / Ta đi trong gió / Ta đi trong mưa/ Từng ngày từng tháng / Là từng bài ca / Tiếng hát cùng ta/ Vượt qua gian khổ" và khúc tráng ca một lần nữa được vang lên trong thời khắc thiêng liêng này bằng một giong ca của một đảng viên trẻ của Đảng bộ Viện Công nghệ xạ hiếm.

Đoàn đã thăm hỏi, tặng quà Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn.

Điểm thứ hai, trên hành trình ấy, đó là Thành Cổ Quảng Trị hoặc Cổ thành Quảng Trị. Thành cổ Quảng Trị còn nổi tiếng là nơi diễn ra trận chiến 81 ngày đêm (28/6 -16/9/1972) giữa lực lượng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam với liên minh Quân đội Hoa Kỳ-Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Thành cổ Quảng Trị là minh chứng rõ nét nhất cho sự đấu tranh kiên cường và lịch sử vẻ vang của quân dân Việt Nam, gợi nhớ về ký ức của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước tại Thành cổ Quảng Trị. Để bảo vệ Thành cổ, hàng vạn Anh hùng Liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống, đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Xương máu của các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau thì còn đó. Cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành Cổ quả là quá sức tưởng tuởng tượng của tội ác và sự chịu đựng. 81 ngày đêm giữ đất, giữ thành, giữ niềm tin khoảng 1,8 vạn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Giờ đây, bên dưới lớp cỏ non xanh tươi hay trong dòng nước ngọt có ai dám chắc rằng sẽ không còn máu xương của đồng bào, đồng chí.

Tại đây, trong không khí thiêng liêng, xúc động và tự hòa, Đoàn đã đến đặt vòng hoa, làm lễ dâng hương để tưởng nhớ đến những công lao, đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc; nghe giới thiệu về cuộc chiến đấu lịch sử của những chiến sỹ trong suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị, về những di vật, bức thư thiêng của chàng sinh viên trẻ - Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, quê ở tỉnh Thái Bình, khi đang là sinh viên năm 4, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội gửi vĩnh biệt đến mẹ, vợ và người thân về linh cảm ngày mình sẽ mãi mãi nằm lại với đất mẹ Quảng Trị; nghe bài thơ “Đò xuôi Thạch Hãn” của Cựu chiến sĩ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam Lê Bá Dương trong lần quay lại Thành cổ Quảng Trị kết bè hoa thả xuống dòng Thạch Hãn, con sông đang chứa trong lòng nó hàng trăm linh hồn liệt sĩ đồng đội, đã sáng tác câu thơ nổi tiếng: "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ / Đáy sông còn đó bạn tôi nằm  / Có tuổi hai mươi thành sóng nước / Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm"

Đoàn đã thăm hỏi và tặng quà cho Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị.

Điểm thứ ba, Đoàn đã tổ chức lễ thả hoa và dâng hương Tri ân các Anh hùng liệt sỹ hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn. Sông Thạch Hãn (hay còn gọi là sông Ba Lòngsông Quảng Trị) là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Đây là con sông gắn liền với lịch sử Quảng Trị. Chiến dịch Xuân – Hè năm 1972 trong chiến dịch Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn chứng kiến nhiều kỳ công bám cầu, bám sông, mở đường Nam tiến dưới mưa bom bão đạn của các chiến sĩ bộ đội miền Bắc. Từ 28/6-15/9/1972 khi quân đội Bắc Việt bám chốt ngăn chặn cuộc tiến công tái chiếm Thành cổ Quảng Trị, cũng như để tạo sức ép cho bàn hội nghị Paris, họ đã tiếp tế nhân lực, vũ khí qua con sông này. Số lượng lớn bộ đội, cán bộ, vũ khí, kể cả quà cáp cũng được dân quân, bộ đội đưa vượt ngang lòng sông, tiến vào trận địa Thành cổ. Dưới mật độ hoả lực dày đặc khủng khiếp của quân Mỹ dội, đã có rất nhiều người lính vĩnh viễn nằm lại nơi đáy sông ở độ tuổi mới mười tám đổi mươi. Riêng trận Thành cổ, khoảng hơn 1000 chiến sĩ đã hy sinh, từ đó, dòng sông Thạch Hãn còn được người dân địa phương gọi là dòng sông Hoa Đỏ.

Điểm thứ tư là thăm Khu di tích lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Khu di tích  tọa lạc bên dòng sông Thạch Hãn, thuộc làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. 60 năm hoạt động cách mạng, với thời gian 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông đã cống hiến trọn đời cho Đảng, cho dân tộc, vì lý tưởng cao đẹp: Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn được biết đến là vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc và là người con ưu tú của vùng đất lịch sử Quảng Trị. 

Tại nơi đây, Đoàn đã thành kính dâng hương và được nghe giới thiệu về cuộc đời hoạt động cách mạng và gia đình của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn

Điểm dừng chân cuối cùng đó chính là đôi bờ Hiền Lương lịch sử. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, tại thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Sau ngày Hiệp định Giơnevơ được ký kết, sông Bến Hải là dấu cắt hai miền đất nước, là hiện thân của nổi đau dân tộc. Suốt 20 năm "Cách một dòng sông mà đó thương, đây nhớ/ Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa"; nơi đây đã chứng kiến bao cảnh tang tóc, đau thương nhưng cũng vô cùng anh dũng. Năm tháng đi qua nhưng ký ức về miền đất lữa thì khó phai nhoà. Cũng tại nơi đây, đã từng diễn ra những cuộc "chọi loa", "chọi cờ" quyết liệt trong Chiến tranh Việt Nam. Thời kỳ đó, cầu Hiền Lương là cây cầu bắc qua sông Bến Hải nơi mà chính là vùng biên giới chia cắt Việt Nam thành hai miền dọc theo vĩ tuyến 17 trong suốt gần 22 năm, từ 21/7/1954 đến 02/7/1976. Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành "nhân chứng lịch sử" trên 20 năm mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước. Cụm di tích gồm tại đôi bờ Hiền Lương: cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ ở bờ Bắc, nhà Liên hợp, Đồn công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh, cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất" ở bờ Nam, Nhà Bảo tàng Vĩ tuyến 17.

Tại nơi đây, Đoàn đã cùng nhau đi diễu hành trên Cầu Hiền Lương và tổ chức Lễ chào cờ, Quốc ca dưới Cột cờ giới tuyến.

Về Quảng Trị, không ai không khỏi bùi ngùi, xúc động khi đến với các nghĩa trang liệt sĩ. Đến đó, ai cũng cảm thấy mình nhỏ bé trước sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ. Trên mộ chí của các anh, các chị có thể có tên có thể chưa biết tên nhưng các anh đã thành danh, trở thành tên chung và niềm tự hào đất nước. Sự hy sinh của các anh, các chị đã làm nên quả ngọt. Cái ngày ra đi không trở về của các anh, các chị đã làm nên ngày đoàn tụ của bao người. Sự mất mát lớn lao của các anh, các chị đã làm nên hạnh phúc của hàng triệu, triệu gia đình và cao hơn cả là đã làm cho đất nước, cho dân tộc hồi sinh. Cái giá ấy, mãi mãi trường tồn, niềm tự hào ấy thuộc về các anh mà chúng tôi có trách nhiệm phải nhân lên và truyền lữa lại cho các thế hệ mai sau.

Có thể nói, chuyến đi đã khơi dậy và làm sáng lên giá trị Truyền thống, giá trị Nhân văn và đức hy sinh của các thế hệ người Việt Nam trong kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với những cống hiến, đóng góp của các thế hệ cha anh đi trước cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời thể hiện tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ trong công tác đồng hành, chăm sóc, bảo vệ thiếu nhi. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Chuyến đi cũng đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần các đại biểu được tham dự cuộc hoạt động, góp phần tạo thành động lực cho phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu, học tập, nghiên cứu khoa học và lao động sáng tạo,  rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng. nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng trong mọi hoạt động để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của Viện Công nghệ xạ hiếm.

Chuyến đi về nguồn tại vùng đất thiêng Quảng Trị của Đoàn đại biểu Viện Công nghệ xạ hiếm đã diễn ra thành công tốt đẹp, an toàn tuyệt đối về người và phương tiện. Nội dung hoạt động đáp ứng được nguyện vọng và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các đồng chí tham gia và các địa điểm đến thăm.

Sau đây là một số hình ảnh hoạt động tiêu biểu của Đoàn:










Đảng ủy Viện Công nghệ xạ hiếm