Đang Tải Dữ Liệu....
game java tai vo lam tai youtube Tubemate
VIỆN CNXH KÍ HỢP TÁC VỚI CAVICO
08/10/2022 03:56
Viện Công nghệ xạ hiếm và CAVICO kí kết Hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium

Viện Công nghệ xạ hiếm và CAVICO kí kết Hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ
và xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium
            Ngày 7/10 vừa qua, Cavico Việt Nam và Viện Công nghệ xạ hiếm (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam ) đã ký kết Hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium. Tại lễ ký, hai bên  khẳng định đây là sự kiện khởi động dự án xây dựng Nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium đầu tiên tại Việt Nam với qui mô lớn.

Cavico Việt Nam và Viện Công nghệ Xạ hiếm Việt Nam (Viện Năng lượng nguyên tử  Việt Nam ) đã ký kết
Hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium.

        Thông tin về khu mỏ đất hiếm của Cavico tại Lào, ông Bùi Quảng Hà – Chủ tịch Cavico Việt Nam cho biết: “Qua công tác thăm dò chi tiết đã xác định trữ lượng quặng Scandium và các nguyên tố đất hiếm khác ở khu vực Mỏ đa kim Bản Bò - Bolykhamxay - Lào là rất có tiềm năng, trữ lượng lớn, dễ khai thác, hàm lượng trung bình đạt các tiêu chuẩn khai thác và chế biến mang lại hiệu qua kinh tế cao . Trữ lượng quặng nói trên có giá trị thương mại hàng tỷ đô la Mỹ, nhưng để chế biến sâu lại rất cần sự đầu tư  lớn,  nghiên cứu công nghệ bài bản … mới có thể xây dựng nhà máy sản xuất ra sản phẩm có chất lượng để xuất khẩu ra thế giới được. Chúng tôi rất tin tưởng Viện công nghệ xạ hiếm cùng các nhà khoa học hàng đầu lĩnh vực Đất hiếm Việt nam sẽ đồng hành cùng với Cavico trong cả quá trình dài sắp tới. Đất hiếm sau khi được khai thác tại khu mỏ của Cavico tại Lào sẽ được tinh chế sạch và đưa về Nhà máy tại Việt Nam chế biến sâu để cho ra thành phẩm có giá trị thương mại cao, cung cấp cho thị trường thế giới”.

Khu mỏ đa kim của Cavico Việt Nam tại Lào có trữ lượng lớn đất hiếm mới được tìm thấy.

        Theo như kế hoạch ,Viện Công nghệ xạ hiếm và Cavico Việt Nam cùng hợp tác toàn diện về nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, cũng như hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư chế biến đất hiếm nói chung và trọng điểm là Scandium ra thành phẩm có độ tinh khiết cao nhất có thể. Xây dựng chiến lược, kế hoạch, triển khai công nghệ chế biến quặng đất hiếm đảm bảo an toàn môi trường, tính kinh tế, tập trung vào các sản phẩm chính như Scandium , Dysprodium … và bên cạnh đó là Nickel , Cobalt…cũng được ghi nhận để tiến hành song song. Công tác nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, phát triển và ứng dụng công nghệ chế biến sâu, đồng thời huấn luyện và đào tạo nguồn nhân lực nhằm mục tiêu để Cavico tiến tới đầu tư  xây dựng Nhà máy Chế biến sâu đất hiếm Scandium tại Việt Nam vào đầu năm 2023 tới.

        Đánh giá về sự hợp tác này, ông Nguyễn Trọng Hùng – Phó Viện trưởng Viện  Công nghệ xạ hiếm Việt Nam nhận định: “Viện Công nghệ xạ hiếm xác định đây là nhiệm vụ chính trị của Viện và cố gắng hết sức mình hợp tác với Công ty Cavico Việt Nam để thực hiện thành công dự án khai thác có hiệu quả mỏ đất hiếm Scandium của Công ty tại Lào. Viện Công nghệ xạ hiếm có năng lực nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về công nghệ đất hiếm, cả về đội ngũ chuyên gia giỏi và các thiết bị hiện đại, đáp ứng nghiên cứu và triển khai công nghệ đất hiếm Scandium. Về phía Công ty Cavico đã có mỏ và năng lực khai thác, chế biến thô rất mạnh, tôi tin rằng sự hợp tác giữa Viện và Công ty đã hội tụ đủ các yếu tố quan trọng cần và đủ để xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm  Scandi có độ sạch cao, có giá trị gia tăng cao, bán ra thị trường thương mại thế giới. Đây là nhiệm vụ mang ý nghĩa chính trị và kinh tế to lớn, cần phải thực hiện và khẳng định thực hiện thành công”.

       Nói về tiềm năng khai thác và chế biến đất  hiếm ở khu mỏ của Cavico Việt Nam tại Lào, ông Nguyễn Trọng Hùng cho biết “mỏ đất hiếm Scandi của Công ty Cavico Việt Nam tại Lào có trữ lượng và tiềm năng kinh tế rất lớn.


Đoàn lãnh đạo Cavico VN thăm quan Viện Công nghệ xạ hiếm

        So sánh với mỏ Đông Pao và Yên Phú của Việt Nam, ông Hùng cho biết: Các nguyên tố đất hiếm có tính ứng dụng cao, có giá trị gia tăng cao phải kể đến là neodim, dysprozi và tecbi ứng dụng trong ngành năng lượng sạch, điện tử, hàng không vũ trụ…Mỏ đất hiếm bastnaesite Đông Pao có hàm lượng nguyên tố đất hiếm nhóm nhẹ 97%, trong đó lantan và xeri chiếm phần lớn, còn lại một ít  là praseodim và neodim; như vậy giá trị của mỏ đất hiếm Đông Pao nằm chủ yếu ở nguyên tố Neodim. Tất nhiên giá trị các nguyên tố nhóm nhẹ không bằng các nguyên tố nhóm nặng. Mỏ đất hiếm xenotime Yên Phú chứa chủ yếu là các nguyên tố nhóm nặng, trên 50%, trong đó các nguyên tố nhóm nặng có giá trị cao dysprozi chiếm 3% và tecbi chiếm 0,5%. Ước tính với giá bán dysprozi kim loại tại thời điểm này là 300$/ kg, ở Mỏ Yên phú có trữ lượng 30.000 tấn tổng đất hiếm, thì riêng giá trị nguyên tố Dy,  kim loại có thể lên tới hàng trăm triệu đô la Mỹ. Trong  khi đó giá của Scandi ngày càng tăng cao, hiện nay là 3.500$/kg. Tôi đưa ra con số như vậy để đánh giá trữ lượng và tiềm năng mỏ đất hiếm scandi của Công ty Cavico Việt Nam tại Lào, phải khẳng định rằng qua thăm dò, trữ lượng có khả năng chế biến thành phẩm  Scandi tại đây rất lớn. Nguyên tố scandi có giá trị cao nhất trong các nguyên tố đất hiếm được ứng dụng trong công nghiệp. Các yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng thị trường scandi là việc sử dụng ngày càng cao trong pin nhiên liệu oxit rắn (SOFC) của xe ô tô điện và nhu cầu ngày càng tăng đối với hợp kim nhôm-scandi sử dụng trong ngành hàng không vũ trụ và quân sự. Hiện nay giá bán của scandi gấp gần 50 lần giá bán của Neodim. Nói như vậy để thấy được tiềm năng hết sức to lớn của mỏ đất hiếm scandi tại Lào của Cavico”. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng Cavico Việt nam để biến tiềm năng thành hiện thực mang lại lợi ích thiết thực  cho cả hai nước Việt -Lào , và cả cho mỗi đơn vị chúng tôi trong đó”.

Việc hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium giữa Cavico Việt Nam và Viện Công nghệ xạ hiếm (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) sẽ mở ra một bước tiến quan trọng về công nghệ khai thác và chế biến đất hiếm – một trong những khoáng sản chiến lược của quốc gia.

Cavico Việt Nam hiện đang khai thác, chế biến Nickel, Sắt, Cobalt, Vàng và Bạc trên diện tích 80km2 tại tỉnh Bolikhamxay, Lào theo Giấy phép đầu tư khai thác và chế biến quặng Nickel, Sắt, Cobalt, Vàng và Bạc số 036-2021/MPI.13 cấp ngày 9/8/2021 bởi Chính phủ nước CHDCND Lào. Các dự án khai thác Niken của CAVICO Việt Nam tại Lào được chính phủ Việt Nam và Lào đặc biệt quan tâm. Giấy phép khai thác khoáng sản tại Lào và giấy phép đầu tư ra nước ngoài ở Việt Nam của CAVICO Việt Nam đều được vinh dự ký và trao trực tiếp tại các chuyến viếng thăm của nguyên thủ hai nước. Đây cũng là dự án góp phần phát triển quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai quốc gia.

Thục Phương - Song Anh